Ralph Nelson Elliott xây dựng lý thuyết phân tích chứng khoán và các thị trường tài chính khác vào năm 1934. Theo Lý thuyết Sóng Elliott, hành vi của các nhà kinh doanh thay đổi liên tục, và chính nó tạo nên một mô hình giá cụ thể trên thị trường.
Elliott đã nghiên cứu các dữ liệu lịch sử của giá chứng khoán và thấy rằng chúng biến động theo các mô hình giống với các mô hình được tìm thấy trong tự nhiên. Ông đã đưa ra nhiều kết luận có giá trị về mô hình giá dựa trên kết quả nghiên cứu này của mình. Giá cả không biến động ngẫu nhiên, và mỗi diễn biến của thị trường đều tiến triển theo một cách nhất định nào đó, phản ánh tâm lý của các thành phần tham gia thị trường. Các đợt sóng giá cả có xu hướng thường xuyên lặp lại và chúng rất giống nhau trừ yếu tố biên độ và khoảng thời gian.
Trong một thị trường có xu hướng, giá cả thường biến động theo 5 đợt sóng (các sóng 1, 2, 3, 4, 5 là các sóng xung động) còn nếu giá đổi chiều thì nó thường diễn biến trong 3 đợt sóng (sóng A, B, C là các sóng điều chỉnh). Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng phản ứng thông thường của những người tham gia thị trường là bình thường và có thể đoán trước được.

Hãy cùng đi vào chi tiết và thảo luận về yếu tố tâm lý xung quanh sự hình thành các sóng này. Đầu tiên, những người ở vị thế mua có lợi thế hơn, giá đang tăng và sóng đầu tiên được hình thành (1). Thường thì diễn biến này không có liên quan gì tới diễn biến trước đó của thị trường và được hình thành tại thời điểm một tin tức kinh tế nào đó được công bố. Một vài thành phần tham gia vào thị trường sẽ hành động với giả thuyết rằng giá cả sẽ trở lại mức cũ và vì vậy, họ mở các trạng thái bán. Trong khi đó, sẽ có những người nhận thấy diễn biến này, họ chọn cách chốt lời và đóng trạng thái mua của mình lại (bằng cách bán ra). Những hoạt động này tạo ra áp lực giảm giá và sóng thứ hai hình thành (2).
Sau khi giá xuống trong khoảng thời gian ngắn, những người mua đã thỏa mãn với mức giá giảm và bắt đầu có lợi thế trở lại. Áp lực tăng giá này làm hình thành sóng thứ (3), sóng này cứ tiếp tục cho đến khi những người đã mua tại thời điểm của sóng (1) và (2) quyết định chốt lời. Họ đóng các trạng thái của mình và sóng điều chỉnh (4) hình thành. Đợt sóng thứ năm được hình thành nhờ những người tin tưởng vào chiều hướng giá lên. Với sự tăng giá cuối cùng này, toàn bộ mức cầu giảm và các nhà kinh doanh lại bắt đầu chốt lời, và giá sẽ giảm mạnh trong các đợt điều chỉnh (sóng A, B, C).
Các sóng xung động thường bao gồm một vài sóng nhỏ hơn, có thể dự đoán được chúng bằng các hệ số Fibonacci. R. N. Elliott nhận thấy:
- Sau đợt sóng thứ năm, giá cả thường có xu hướng quay trở về mức của đợt sóng trước đó (đợt bốn) hoặc về hẳn mức thấp nhất của đợt sóng thứ hai (trong một thị trường giá lên).
- Nếu giá phá vỡ mức giá của đợt sóng thứ tư thì điểm thấp nhất của đợt sóng thứ hai sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ mới.
- Sau các đợt điều chỉnh A, B, C giá thường có xu hướng quay về mức giá của sóng B. Những nguyên tắc này không phải là tuyệt đối và có thể được sử dụng như chỉ dẫn cho việc kinh doanh trên các thị trường tài chính. Biểu đồ sóng Elliott dưới đây bao gồm các mức Fibonacci mở rộng. Tất nhiên, mô hình như vậy không thường xuyên xuất hiện trên thị trường (các tỷ lệ cũng có thể khác nhau), nhưng có một vài nguyên tắc cơ bản như sau:
- Sóng thứ hai luôn ngắn hơn sóng thứ nhất
- Sóng thứ ba không ngắn hơn sóng thứ nhất hay sóng thứ năm. Thường thì đây là sóng dài nhất, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
- Sóng thứ tư không bao giờ trùm được đỉnh của sóng đầu tiên.

(tuy nhiên, tôi không nói rằng nguyên tắc này là hoàn toàn đáng tin cậy):
Các sóng xung động:
Sóng đầu tiên không có mối tương quan nào với những biến động trước đó.
Sóng thứ ba thường ở mức 161,8% hay 261,8% sóng thứ nhất. Mức 423,6% là rất hiếm.
Sóng thứ năm bằng 61,8% khoảng cách giữa sóng thứ nhất và sóng thứ ba. Nếu sóng thứ năm đủ dài con số này có thể lên tới 161,8%. Đôi khi sóng thứ năm có cùng độ dài với sóng thứ nhất hoặc thứ ba.
Các sóng điều chỉnh:
- Sóng thứ hai không giống bất kỳ sóng nào khác. Nó có thể có tỷ lệ từ 23,6% đến 100% so với sóng thứ nhất.
- Sóng thứ tư thường bằng 38,2% (đến 50%) của sóng thứ ba. Rất nhiều công cụ phân tích kỹ thuật là các chỉ số có độ trễ (ví dụ, MACD, RSI, Công cụ đo dao động ngẫu nhiên… nghĩa là nó thông báo cho nhà kinh doanh những sự kiện đã qua và giới hạn khả năng dự đoán tương lai. Lý thuyết sóng Elliott giúp ta làm việc này rất hiệu quả.
Những người ủng hộ Lý thuyết này khẳng định rằng nó phản ánh mô hình phát triển xã hội thường thấy ở các xã hội loài người: phát triển liên tục là điều không thể và suy giảm trong ngắn hạn là điều tất yếu (ví dụ như trong kinh tế hay văn hóa): luôn luôn có ba bước tiến và hai bước lùi. Lý thuyết sóng Elliott khá hợp lô-gic, mặc dù nó cũng có một vài hạn chế. Cơ bản nhất là nó rất khó áp dụng trong thực tế. Thậm chí các chuyên gia phân tích kỹ thuật cao cũng thường nhầm lẫn giữa đợt sóng thứ tư và đợt sóng điều chỉnh đầu tiên. Có rất nhiều quảng cáo về các dự báo dựa trên phân tích Sóng Elliott trên mạng Internet mà bạn phải trả phí mới có được. Nhưng liệu với sự trợ giúp của Lý thuyết 8 Đợt sóng này chúng ta có thể mô tả được một thị trường liên tục biến động, trong đó mọi thay đổi về kinh tế và chính trị đều được phản ánh? Sau khi một tin tức vĩ mô nào đó được công bố, thường thì bạn sẽ phải xác định lại các đợt sóng bởi biến động giá mạnh mẽ ngay tại thời điểm đó đã bóp méo toàn bộ những diễn biến trước đó. Rõ ràng Lý thuyết Sóng Elliott không phải là liều thuốc tiên dành cho việc kinh doanh trên các thị trường tài chính, tuy nhiên, nó vẫn là một công cụ hữu hiệu khi được kết hợp với các công cụ phân tích kỹ thuật khác.